Nói đến
thể loại là nói đến những khuôn định về nội dung và hình thức, trong đó
hình thức là chủ yếu. Với văn học trung đại, khuôn thức là một trong
những nét tạo nên đặc thù của sáng tạo và thưởng thức văn chương. Nhìn
từ góc độ hiện đại, thể loại cũng được chú ý không kém bởi sự xuất hiện
của những cách tiếp cận mới, chú trọng nhiều hơn vào văn bản, vào sự
sáng tạo của nhà văn về hình thức thể hiện, vào sự đan xen thể loại hoặc
phá vỡ các quy ước thể loại… Tiếp cận thể loại trong khung cảnh học
thuật nhiều mới mẻ như vậy, đề tài là một đóng góp thêm cho lĩnh vực
lý giải quá trình sáng tạo nghệ thuật của quá khứ.
Những nội dung nghiên cứu chính của đề tài là:
Lược thuật quan niệm về thể loại theo thời gian và những vấn đề nảy sinh xung quanh khái niệm về từng thể loại; Lược thuật diễn trình du nhập/hình thành các thể loại; Giới thiệu các tác giả/tác phẩm tiêu biểu của từng thể loại; Trình bày, lý giải lịch sử bản địa hóa, hình thành thể loại và đặc điểm cơ bản của chúng.
Trên cơ sở sưu tầm, thống kê, phân loại các đơn vị tác phẩm di sản văn chương trung đại, cung cấp một phác thảo về hiện trạng văn bản, phiên âm, phiên dịch mảng văn chương viết bằng chữ Hán – Nôm ở từng thể loại. Đây là nội dung chưa được xử lý thấu đáo trong các nghiên cứu thể loại trước đây.
Cung cấp một phác thảo về ngọn nguồn, lịch trình phát triển, và đặc điểm cơ bản của từng thể loại, trên cơ sở đó hình thành là một khung kiến thức, thông tin cơ bản nhất về hệ thống thể loại của văn chương Việt Nam thời trung đại, đặt nền cho những nghiên cứu chuyên sâu sau này về thể loại hoặc tác phẩm cụ thể.
Hội
đồng nghiệm thu đề tài gồm các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên
ngành của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia hà Nội, Đại
học Sư phạm Hà Nội. Hội đồng do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ tịch.
Nội dung của đề tài sẽ được chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng, in và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu